Bài liên quan : << Ngân hàng Habubank xóa nợ thành công >>
Phó tổng giám đốc HDBank Lê Thành Trung nhận định, hạ lãi suất vừa cứu doanh nghiệp, vừa cứu ngân hàng vì ngân hàng không thể tìm ra lợi nhuận nếu khách hàng gặp khó khăn. Tuy nhiên, ông Trung cũng cho biết, ngân hàng này đang trong quá trình xây dựng lộ trình, chính sách cụ thể.
Trong khi các ông lớn ngân hàng khá hào hứng với chủ trương hạ lãi suất cho vay cũ, thì các nhà băng quy mô nhỏ hơn còn đang chờ đợi nhau. |
Còn theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ tại TP HCM, đã là chủ trương từ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải thực hiện. Không khỏi ấm ức, lãnh đạo này nói thêm, ban đầu Ngân hàng Trung ương cũng chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc, nhưng sau này, nhiều luồng thông tin nói đi nói lại khiến cho đây như là một mệnh lệnh mà các nhà băng phải tuân thủ.
“Việc đưa lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%/năm, rõ ràng là khó khăn ngay cả với những đơn vị lớn, chứ không nói gì đến chúng tôi. Đơn cử, đến thời điểm này, chỉ có 4 ngân hàng lớn đưa ra những động thái cụ thể. Còn lại, khối cổ phần, cả những nhà băng quy mô lớn, vừa hay nhỏ vẫn đang nhìn, chờ nhau”, vị này thẳng thắn.
Ông nói thêm, ngân hàng đã họp và đang rà soát các hợp đồng cũng như hiện trạng của từng khách hàng. Việc giảm lãi suất cho vay cũ về dưới 15%/năm, dù ảnh hưởng đến lợi nhuận, nhưng ngân hàng chắc chắn phải làm vì 2 lý do. Thứ nhất, đây là chỉ đạo của Thống đốc. Ngoài ra, việc giảm lãi suất này cũng liên quan đến chiến lược phát triển khách hàng mới.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, chỉ đạo các nhà băng đưa lãi suất các khoản vay cũ về 15%/năm là chủ trương đúng đắn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh này. Tuy vậy, nếu chỉ dừng lại ở khuyến khích thì việc có nơi ngân hàng thực hiện, có nơi không cũng là điều bình thường. Ông Thành cho rằng, ngân hàng nên cân nhắc trước khi điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ và có tiêu chí cụ thể đối với từng doanh nghiệp thay vì giảm đồng loạt. Những doanh nghiệp có dự án tốt, làm ăn hiệu quả thì nên tạo điều kiện, và ngược lại với các doanh nghiệp không hiệu quả.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành nói thêm, để hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện tốt chức năng ngân hàng Trung ương của mình nhằm giúp các nhà băng, doanh nghiệp thanh lý được khoản nợ cũ lãi cao. Chẳng hạn, thể bơm vốn cho các nhà băng nhỏ với lãi suất 2-3%/năm, sau đó những đơn vị này cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất khoảng 6-7%/năm là hợp lý.
Đưa lãi suất các khoản vay cũ về 15%/năm cao nhất là chủ trương được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra trong buổi họp sơ kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm hôm 7/7. Ngay trong cuộc họp này, nhiều lãnh đạo nhà băng cho biết hoàn toàn đủ điều kiện đồng thời cam kết thực hiện chủ trương nói trên.
Đến nay, hai ngày sau khi yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về việc các ngân hàng đưa lãi suất các khoản vay cũ về 15%/năm tối đa có hiệu lực, mới chỉ có 4 nhà băng công khai sẽ rà soát lại hợp đồng tín dụng. Số này gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét